Trong kỷ nguyên số hóa ngày nay, Cloud không chỉ là xu hướng mà đã trở thành nền tảng vững chắc cho các giải pháp công nghệ tiên tiến. Không những thế, chúng dần trở thành yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, quản lý và bảo mật dữ liệu. Với sự phát triển không ngừng đó, cơ hội dành cho các kỹ sư công nghệ thông tin ngày càng rộng mở, đặc biệt là những ai đam mê xây dựng và triển khai các "công trình" khổng lồ trên "mây". 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá vì sao Cloud lại trở thành đích đến hấp dẫn cho những kỹ sư yêu thích thách thức và sự đổi mới thông qua những chia sẻ của anh Linh Nguyễn -  Engineering Consultant, Cloud Solution Architect tại CMC Global nhé.

Anh có thể giải thích ngắn gọn cho các bạn được biết về công nghệ đám mây và các loại hình dịch vụ đám mây phổ biến hiện nay?

Định nghĩa một cách đơn giản nhất thì Điện toán đám mây (Cloud Computing) là một hình thức cung cấp dịch vụ tới người dùng thông qua internet. Các loại hình dịch vụ có thể là lưu trữ, máy chủ, database, mạng, sao lưu, và rất nhiều dịch vụ khác. 

Một trong số những nhà cung cấp hàng đầu có thể kể ra như: Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure, Google Cloud Platform (GCP). Hay những dịch vụ quen thuộc hơn với người dùng phổ thông như iCloud, OneDrive, DropBox. Ở Việt Nam chúng ta cũng có những nhà cung cấp Cloud lớn như: CMC Cloud, FPT Cloud, VNG Cloud, Viettel IDC v.v..

Về loại hình, Cloud được chia ra 3 loại chính:

  • IaaS (Infrastructure as a Service) cho phép Doanh nghiệp thuê tài nguyên hạ tầng IT từ các nhà cung cấp như AWS, Azure, GCP, thay vì tự mua sắm và quản lý phần cứng.

  • PaaS (Platform as a Service) cung cấp tất cả các tài nguyên phần cứng và phần mềm cần thiết để triển khai ứng dụng trên Cloud mà không cần quản lý cơ sở hạ tầng, ví dụ như AWS Beanstalk hoặc AWS Lambda.

  • SaaS (Software as a Service) là mô hình dịch vụ cung cấp quyền truy cập vào các ứng dụng hoàn chỉnh như Jira, Salesforce, CRM, ERP mà không cần quan tâm tới phát triển hoặc bảo trì phần mềm.

Anh nhận thấy như thế nào về sự phát triển của công nghệ đám mây trong những năm gần đây? Và theo anh nhu cầu về nhân lực tại Việt Nam & trên thế giới sẽ như thế nào trong những năm tới?

Theo anh thấy, sự bùng nổ của công nghệ đám mây trong những năm gần đây đã thể hiện rõ qua nhiều yếu tố khác nhau: tỷ lệ chuyển đổi lên Cloud của các Doanh nghiệp sử dụng hệ thống IT truyền thống, số lượng dự án mới sử dụng Public Cloud Provider, và nhu cầu tuyển dụng nhân sự có kỹ năng liên quan đến Cloud đều đã tăng lên đáng kể.

Khoảng thời gian mà anh còn làm việc tại Nhật Bản từ 2018 đến 2020, các công ty đã bắt đầu chuyển đổi lên Cloud và nhu cầu tăng cao, với số lượng dự án bùng nổ. Trong giai đoạn này, chỉ cần sở hữu 1-2 chứng chỉ Cloud và am hiểu về các dịch vụ cơ bản, những người có kinh nghiệm 2-3 năm đã có thể dễ dàng tìm được công việc với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay, việc am hiểu về Cloud không còn là một lợi thế mà là một yêu cầu cần thiết, và từ đó nhu cầu về kỹ sư có kỹ năng này ngày càng cao.

Mặc dù Việt Nam có phần đi sau so với các quốc gia khác khoảng 2-3 năm trong việc áp dụng các công nghệ mới, nhưng gần đây, với sự gia nhập và mở rộng thị trường của các ông lớn như AWS, Azure, Google Cloud, sự quan tâm của các Doanh nghiệp tại Việt Nam đối với việc chuyển đổi lên Cloud và sử dụng nó như là nền tảng triển khai hệ thống đã bắt đầu gia tăng.

Với những diễn biến này, anh tin rằng nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực Cloud sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Vậy theo anh đây có phải là lĩnh vực tiềm năng cho những bạn fresher hay những bạn IT đang muốn theo đuổi lĩnh vực Cloud? Và đâu là những vị trí công việc phổ biến trong lĩnh vực này?

Như anh đã đề cập trước đó, Cloud vẫn là lĩnh vực tiềm năng trong ít nhất 5 năm tới (lâu hơn thì anh không dám chắc). Điều này sẽ tạo ra một thị trường năng động cho các bạn trẻ mới bước chân vào nghề hoặc những người làm trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin đang mong muốn mở rộng kiến thức về Cloud.

Về vị trí công việc, trong lĩnh vực Cloud có nhiều loại vai trò khác nhau, mỗi vị trí đều đòi hỏi kỹ năng và nhiệm vụ cụ thể. Ví dụ, vị trí Solution Architect tập trung vào việc thiết kế và phát triển giải pháp Cloud dựa trên yêu cầu của khách hàng. Còn DevOps Engineer hoặc Cloud Engineer thì tập trung vào triển khai và vận hành hệ thống Cloud, đảm bảo tính ổn định và hiệu suất của dịch vụ. Trong khi đó, vị trí System Administrator chịu trách nhiệm về vận hành và bảo trì hệ thống sẵn có, đảm bảo rằng các dịch vụ hoạt động một cách liên tục và hiệu quả.

Tùy thuộc vào kỹ năng, tính cách và sở thích cá nhân, các bạn có thể lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp nhất với mình.

Theo anh những chứng chỉ nào là quan trọng và cần thiết cho một bạn theo đuổi lĩnh vực cloud? Các ngôn ngữ lập trình hoặc công cụ mà các bạn cần phải thành thạo là gì?

Có thể thấy rằng, trong lĩnh vực Cloud có rất nhiều vị trí công việc khác nhau, do đó mỗi vị trí sẽ đòi hỏi một bộ chứng chỉ riêng biệt. Ví dụ, nếu bạn đang định hướng đi theo vị trí Solution Architect, bạn cần bắt đầu từ các chứng chỉ cơ bản như Foundation, sau đó Solution Architect Associate và cuối cùng là Solution Architect Professional. Mỗi Cloud Provider sẽ có một tập hợp các chứng chỉ với tên gọi khác nhau nhưng nhìn đều sẽ chia ra làm 3 nhóm chính: thiết kế, triển khai và vận hành. 

Về ngôn ngữ lập trình, vì có rất nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, từ Backend, Frontend, Scripting đến các framework hoặc công cụ đặc biệt cho AI, Big Data, việc lựa chọn ngôn ngữ phụ thuộc hoàn toàn vào vị trí bạn muốn ứng tuyển cũng như nhu cầu từ thị trường. Tuy nhiên, có một số ngôn ngữ lập trình phổ biến mà các bạn có thể tham khảo:

  • Python: Được sử dụng rộng rãi trong việc phát triển các ứng dụng cloud, automation scripts và DevOps.

  • JavaScript: Quan trọng cho các ứng dụng web và serverless computing, đặc biệt với Node.js.

  • Java: Phổ biến trong các ứng dụng doanh nghiệp lớn và microservices.

  • Go: Tối ưu cho các dịch vụ cloud-native do tính hiệu quả và hiệu suất cao.

  • Ruby: Sử dụng nhiều trong DevOps với các công cụ như Chef và Puppet.

  • Shell scripting (Bash): Cần thiết cho quản trị hệ thống và tự động hóa trên các nền tảng Unix/Linux. 

Ngoài ra, để thành công trong lĩnh vực cloud, kiến thức nền tảng cũng rất cần thiết:

  • Bạn cần hiểu biết về mạng máy tính, VPN, và các giao thức mạng để làm việc hiệu quả trong môi trường cloud. 

  • Kỹ năng về bảo mật cloud cũng rất quan trọng, bao gồm quản lý danh tính, bảo mật dữ liệu và phòng chống xâm nhập. 

  • Bên cạnh đó, kiến thức về các dịch vụ cơ sở dữ liệu cloud như Amazon RDS, Google Cloud Spanner, và Azure SQL Database sẽ giúp bạn quản lý dữ liệu một cách hiệu quả. 

  • Cuối cùng, hiểu biết về các dịch vụ serverless như AWS Lambda, Azure Functions, và Google Cloud Functions sẽ giúp bạn phát triển các ứng dụng không cần quản lý server, tăng cường khả năng mở rộng và linh hoạt.

Ngoài những ngôn ngữ lập trình và kiến thức mà anh đã liệt kê ở trên, còn có nhiều công cụ và dịch vụ cloud khác mà bạn có thể cần học tùy thuộc vào vai trò và chuyên môn cụ thể của bạn. Điều quan trọng là các bạn phải luôn cập nhật các công nghệ và xu hướng mới nhất trong lĩnh vực cloud computing.

Anh có thể gợi ý những tài liệu, khóa học, hoặc nền tảng học trực tuyến nào cho các bạn muốn theo đuổi sự nghiệp này không?

Trước tiên, bạn cần xác định rõ lộ trình học tập của mình để biết cần học những gì. Sau đó, đặt ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng, và có thể đạt được. Thay vì đặt mục tiêu trở thành chuyên gia về Cloud AWS trong 3 năm, hãy chia nhỏ thành các bước như: trong 3 tháng tới đạt chứng chỉ AWS Cloud Practitioner, trong 6 tháng tiếp theo xin vào vị trí Junior Cloud Engineer, và sau 1 năm đạt chứng chỉ AWS Solution Architect Associate.

Khi đã xác định được mục tiêu, hãy tìm kiếm các khóa học phù hợp với trình độ của bạn trên các nền tảng như Coursera, Udemy, CloudAcademy. Hiện nay, Udemy có nhiều khóa học về Cloud bằng tiếng Việt do các giảng viên Việt Nam xuất bản, phù hợp cho những ai chưa tự tin về khả năng ngoại ngữ. Cá nhân anh cũng đã xuất bản hai khóa học liên quan tới Cloud AWS trên Udemy, đó là "AWS Cloud for Beginners" và "DevOps on AWS for Beginners", đều bằng tiếng Việt, các bạn có thể tham khảo và học hỏi thêm.

Theo anh có xu hướng công nghệ mới nhất nào mà các bạn nên theo dõi và học hỏi?

Nếu muốn nắm bắt xu hướng công nghệ đang phát triển và đáng để học hỏi, thì chắc chắn chúng ta sẽ phải nhắc đến Generative AI. Chỉ trong hơn 2 năm qua, Generative AI đã phát triển mạnh mẽ và lan rộng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là trong việc tạo ra nội dung, phát triển phần mềm, và phân tích dữ liệu.

Việc tìm hiểu về Generative AI, dù là từ góc độ nào, như học cách sử dụng để hỗ trợ công việc hàng ngày, tùy biến và tích hợp để cải thiện các ứng dụng/hệ thống hiện có, phát triển các sản phẩm mới sử dụng AI, hoặc thậm chí là học cách xây dựng mô hình AI riêng của mình, theo anh nghĩ đều mang lại những giá trị thiết thực và hữu ích.

Tuy nhiên, các bạn không nên lạm dụng AI, như sử dụng nó để gian lận trong thi cử, làm giả CV, vì điều này sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực và không có lợi trong tương lai.

Với sự phát triển của AI như thế, anh thấy công nghệ đám mây sẽ có những thay đổi như thế nào trong các ứng dụng thực tế?

Công nghệ đám mây vốn đã phát triển mạnh mẽ, nay càng bứt phá với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI). Cloud mở ra môi trường lý tưởng cho AI phát triển vượt bậc nhờ nguồn lực tính toán khổng lồ, khả năng mở rộng linh hoạt và lưu trữ dữ liệu lớn (Big Data).

Thay vì tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn đô la đầu tư phần cứng, giờ đây chỉ với vài cú click chuột và vài phút chờ đợi, bạn có thể triển khai hệ thống AI với chi phí hợp lý, dễ dàng tiếp cận cho cả doanh nghiệp và người dùng cá nhân. 

Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn cũng không ngừng tung ra các giải pháp hỗ trợ tích hợp và sử dụng AI đơn giản, nhanh chóng với chi phí hợp lý. Nhờ vậy, việc ứng dụng AI, tùy chỉnh và tích hợp vào các ứng dụng/hệ thống trong tương lai sẽ ngày càng phổ biến hơn.

Bản thân anh cũng đang sử dụng dịch vụ AI từ AWS cho các tác vụ liên quan công việc như dịch thuật, tóm tắt yêu cầu khách hàng, đưa ra giải pháp tham khảo cho một số vấn đề trong công việc.

Việc chuyển đổi từ hệ thống truyền thống sang công nghệ đám mây có những yêu cầu kỹ thuật nào mà Doanh nghiệp và các bạn cần lưu ý nhất?

Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây luôn hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình đám mây. Tuy nhiên, có một số yêu cầu quan trọng mà anh nghĩ Doanh nghiệp cần lưu ý:

  • Tuân thủ tiêu chuẩn và quy định ngành: Khi chuyển đổi hệ thống lên Cloud, doanh nghiệp cần tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn và quy định của ngành, cũng như của chính phủ liên quan đến việc lưu trữ, xử lý dữ liệu và bảo mật hệ thống. Mỗi quốc gia có những quy định riêng, do vậy doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ lưỡng để đảm bảo tuân thủ đầy đủ. Một số quy định quan trọng bao gồm: vị trí lưu trữ dữ liệu người dùng, phương thức lưu trữ và xử lý dữ liệu, yêu cầu bảo mật ứng dụng và hệ thống, yêu cầu mã hóa thông tin, v.v.

  • Xây dựng chiến lược bảo mật: Việc triển khai hệ thống lên Cloud đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm giữa Cloud Provider và khách hàng trong việc đảm bảo bảo mật cho hệ thống và ứng dụng. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bảo mật toàn diện, bao gồm các biện pháp bảo vệ dữ liệu, bảo mật mạng, quản lý quyền truy cập người dùng, bảo vệ ứng dụng trước các mối đe dọa, v.v. 

  • Quản lý chi phí phát triển và hạ tầng: Cần cân nhắc kỹ lưỡng chi phí chuyển đổi và giá trị mang lại khi chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang Cloud. Việc "bê nguyên" mô hình truyền thống lên Cloud mà không tối ưu hóa có thể dẫn đến chi phí cao và không mang lại nhiều lợi ích. Vì thế Doanh nghiệp cần đánh giá kỹ lưỡng các ứng dụng, xây dựng chiến lược tái kiến trúc phù hợp để tận dụng tối đa lợi thế của Cloud, đồng thời giảm thiểu chi phí hạ tầng và vận hành.

  • Khả năng mở rộng (Scalability) cũng như tính khả dụng (High Availability): Hệ thống cần được thiết kế và triển khai theo các Best Practice từ nhà cung cấp dịch vụ đám mây để đảm bảo tính mở rộng và khả dụng cao. Để đảm bảo được điều này, doanh nghiệp cần có đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm, am hiểu các dịch vụ trên Cloud cũng như khả năng áp dụng vào bài toán thực tế.

Trong quá trình học tập và làm việc trong lĩnh vực điện toán đám mây, anh có gặp phải những thách thức lớn nào mà hiện tại anh vẫn còn nhớ mãi và anh đã vượt qua nó như thế nào?

Khi mới bước chân vào lĩnh vực Cloud Computing, thách thức lớn nhất anh gặp phải là thuyết phục khách hàng tin tưởng và áp dụng Cloud thay cho mô hình truyền thống. Lúc đó, Cloud còn khá mới mẻ, nhiều người còn e ngại về tính bảo mật, hiệu quả chi phí và khả năng vận hành. Tuy nhiên, nhờ sự phổ biến ngày càng rộng rãi của Cloud, những băn khoăn ban đầu của khách hàng dần được giải đáp. Giờ đây, thay vì đặt câu hỏi về bản chất của Cloud, họ quan tâm nhiều hơn đến việc tìm kiếm giải pháp tối ưu phù hợp với nhu cầu riêng của mình.

Thách thức thứ hai đối với anh là tốc độ phát triển chóng mặt của Cloud Computing. Số lượng dịch vụ mới không ngừng được ra mắt, điển hình như hiện nay AWS đã cung cấp hơn 200 dịch vụ khác nhau. Hay có những giải pháp tối ưu cách đây 3 năm có thể không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Vì thế, để bắt kịp xu hướng và mang đến những giải pháp tốt nhất cho khách hàng, anh phải không ngừng trau dồi kiến thức mới mỗi ngày. Tuy nhiên, chính những thử thách này đã giúp bản thân anh trưởng thành và trở thành một chuyên gia Cloud đầy tự tin, sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng trên con đường chinh phục thành công.

Để kết thúc buổi trò chuyện, anh có lời khuyên nào cho những bạn trẻ mới bắt đầu muốn theo đuổi vị trí Cloud Solution Architect (kiến trúc sư giải pháp) nói riêng và trong lĩnh vực Cloud nói chung?

Lĩnh vực Cloud Computing đang bùng nổ với vô vàn cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Để nắm bắt cơ hội này, các bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho các bạn sinh viên hoặc người mới bắt đầu theo đuổi Cloud:

  • Rèn luyện kỹ năng tự học: Công nghệ thay đổi liên tục, đòi hỏi chúng ta phải thích ứng nhanh chóng. Hiện nay có vô số nền tảng trực tuyến cung cấp kiến thức Cloud cập nhật mỗi ngày với chi phí hợp lý. Hãy kiên trì, chủ động học hỏi, bạn sẽ gặt hái được thành công trên con đường chinh phục Cloud.

  • Thành thạo 1-2 ngoại ngữ: Môi trường toàn cầu hóa mang đến rất nhiều cơ hội làm việc tại bất cứ đâu miễn là bạn có đủ năng lực. Việc thành thạo ngoại ngữ sẽ giúp bạn có thể làm việc trong những công ty hàng đầu về công nghệ, nâng cao khả năng thăng tiến hay thậm chí lựa chọn bất kỳ quốc gia nào mà bạn muốn sinh sống và làm việc lâu dài. Cá nhân anh là một người sử dụng được cả 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật nên anh đã có cơ hội được trải nghiệm nhiều môi trường làm việc, văn hoá khác nhau, điều đó giúp công việc của anh thêm thú vị hơn rất nhiều.

  • Nếu bạn hướng đến con đường Solution Architect, hãy bắt đầu sự nghiệp tại các doanh nghiệp lớn. Nơi đây có những dự án, hệ thống quy mô lớn, quy trình chuẩn hóa và cơ hội tiếp xúc đa dạng khách hàng từ nhiều lĩnh vực. Môi trường này sẽ giúp bạn học hỏi nhanh chóng, nâng cao năng lực và mở ra nhiều cơ hội thăng tiến trong tương lai.

Một số tài liệu tham khảo:

- AWS Cloud road map: Link

- Các khoá học liên quan tới AWS và luyện thi chứng chỉ:

- Kênh Youtube:

Lời kết

Điện toán Đám mây (Cloud Computing) không chỉ là xu hướng mà đã trở thành nền tảng công nghệ của tương lai. Với tính linh hoạt, khả năng mở rộng và tối ưu hóa chi phí, lĩnh vực Cloud đã mở ra nhiều cơ hội cho các kỹ sư công nghệ thông tin đam mê sáng tạo.

Để thành công trong lĩnh vực này, việc liên tục học hỏi và cập nhật kiến thức là rất quan trọng. VietnamWorks inTECH hy vọng, thông qua những chia sẻ của anh Linh đã phần nào tiếp thêm động lực cho các bạn kỹ sư đam mê và nhiệt huyết chinh phục mảnh đất vàng này.

Đôi nét về anh Linh Nguyễn

VietnamWorks inTECH